Ảnh nền Pano chính
XẾP CỦI LỬA TRẠI

XẾP CỦI LỬA TRẠI

Có nhiều cách xếp củi để đốt lửa trại: Kiểu tăm xe, kiểu hình nón, kiểu tứ diện (củi chó), kiểu lục lăng, củi cây đinh liệu...

Có nhiều cách xếp củi để đốt lửa trại: Kiểu tăm xe, kiểu hình nón, kiểu tứ diện (củi chó), kiểu lục lăng, củi cây đinh liệu...

HÌNH TĂM XE

Củi được xếp theo hình tăm xe, nghĩa là tất cả củi để dưới đất nhưng có một đầu chống lên nhau đầu kia hướng ra ngoài tạo thành hình tăm xe, dùng lối này ít tốn củi nhưng lửa không cháy cao được.

HÌNH NÓN

Là kiểu sắp xếp củi trên đầu chụm lại và dưới chân loe ra; củi nhỏ và khô ở nòm, củi lớn ở ngoài.

HÌNH TỨ DIỆN

Là kiểu xếp một hình nón ở giữa bằng củi nhỏ và khô, bên ngoài xếp thành hình vuông 2 củi ngang 2 củi dọc cứ thế mà chồng lên nhau bọc lấy hình nón, cao dần lên cho khuất chỏm hình nón, nhớ để chỗ châm lửa về phía gió thổi.

HÌNH LỤC LĂNG

Xếp hình nón ở giữa như trên, bên ngoài bao bọc bằng củi lớn xếp hình tam giác cân, xéo nhau cao lên.

HÌNH BÁT GIÁC

Như kiểu tứ diện song các hình vuông xéo nhau chia thành tám cạnh.

CÂY ĐINH LIỆU

Là hình thức tổ chức lửa trại lớn; ở thành thị thì có thể là cây bông, pháo xì hoa từ gốc đến ngọn (cao khoảng 3-4 mét trở lên) cho cháy lâu hàng giờ để vừa xem vừa ăn uống, vui chơi trò chuyện với nhau. Ta có thể làm cây đinh liệu bằng cách xếp đống lửa trước bằng cả thân cây (không chặt nhỏ) cao từ 2 đến 5 mét. Kiểu này hay xếp thành hình nón và cần đến 6 tới 10 cây cao đều nhau, cây cần khô và có nhựa như cây thông hoặc thuộc loại dễ cháy. Muốn cho cây cháy ngay và sáng rực từ đầu đến chân, ta có thể phết nhựa thông, nhựa chai vào suốt quanh thân cây. Nhớ đừng quên xếp củi hình lục lăng hay bát giác ở dưới cùng để giữ lửa.

CÂY ĐÈN HIỆU

Là hình thức tổ chức lửa trại lớn, ta dùng 1 cây cao và cắm pháo bông từ đầu đến chân cho cháy sáng hàng giờ để thay thế cho việc đốt lửa trại (dạng này chỉ dùng cho những nơi người ta cấm không cho đốt lửa trại). Chúng ta có thể làm cây đèn hiệu bằng cách xếp, cả thân cây cao từ 3 đến 5 mét theo kiểu hình nón và dùng từ 5 đến 7 cây là vừa. Ta nên dùng cây dễ cháy như thông chẳng hạn. Muốn cho tất cả cây cùng cháy rực lên ta dùng nhựa thông phết một lớp mỏng ngoài thân cây, nhưng dù sao muốn nó cháy lâu ta cũng phải xếp 1 đống củi hình tứ giác, lục lăng hay bát giác ở giữa để giữ lửa.

Ngoài ra còn có một cách nữa là cho cát vàng khô vào một chậu hoặc lon, sau đó đổ dầu hôi vào, đánh diêm ném lên cát là cháy, khi hết dầu ta chỉ cần đổ thêm dầu là lửa lại bừng sáng.

Cách này thường làm để trong lòng đống củi để khi trại trưởng châm lửa là nó bắt liền, nếu không có cát thì để ống dầu hôi nhưng nhúng giẻ rách, tránh đổ dầu ở ngoài vào khi lửa không cháy và vì thế nên chuẩn bị củi lửa và đầu trước.

Trong khi làm các kiểu xếp củi trên đây, ta nên nhớ phải để một chỗ hổng để châm lửa vào; nếu dự trù cách khai lửa không bằng cách châm đuốc thì phải tiên liệu nơi bắt lửa đầu tiên, ở đó ta nên để một ít dầu hỏa hay nhựa thông để lửa dễ bắt.

CÁCH TẠO MÀU CHO LỬA

Trong đêm lửa trại nhiều khi cũng cần đến việc sử dụng các cách làm màu cho lửa để tăng phần hào hứng cho đêm lửa trại.

Làm khói: Ném vào đống lửa đang cháy rực rỡ một ít cỏ tươi hay lá tươi.

Làm sáng rực: Ném vào lửa từng nắm rơm khô hoặc giấy cắt nhỏ.

Làm lửa màu đỏ: Ném vào lửa một nắm bột màu đen.

Làm lửa xanh lục: Ném vào lửa một nắm bột sulfate de cuivre.

Làm lửa vàng: Ném vào lửa một nắm muối to hay nhựa.

Làm lửa xanh lơ: Ném vào lửa giấy bạc nhũ trắng.

Làm lửa nổ: Ném hạt nhãn khô, cắt ống lồ ô bịt kín ném vào.

CÁCH LÀM ĐUỐC

Dù có hiện đại đến bao nhiêu đi chăng nữa thì trong đêm lửa trại vẫn cần phải có ánh lửa bập bùng của ngọn đuốc và củi lửa trại. Vì vậy, để chuẩn bị tốt cho đêm lửa trại, đầu tiên chúng ta nên lưu ý đến công việc làm đuốc. Có các cách thường làm sau đây:

Dùng nhựa thông, nhựa tràm, nhựa chai nấu lên cho lỏng rồi lấy các cây gậy vừa tầm tay từ 60 đến 80cm, nhúng đầu gậy vào nhựa khoảng 15cm, sau đó để cho hơi khô và lấy vải hoặc giấy báo bọc xung quanh 1 lần, sau đó tiếp tục nhúng vào nhựa nhiều lần.

Lấy ống sữa bò đóng lên một cây gậy trong có đổ cát vàng khô; lúc sắp đốt đổ dầu lửa vào cho ướt hết thì thôi, đến khi cần quẹt diêm lên là cháy.

Lấy ống tre, nứa khô cho nhựa chai vào trong; ở ngoài quấn giấy xanh đỏ cho đẹp. Nhớ làm cái che tay cho khỏi bị nóng. Khi đốt lên là cháy.

Lấy ống tre xanh tươi trong đổ dầu lửa, rồi lấy vải thấm vào làm bấc đốt lên là cháy.

Dùng ống tre chẻ đầu thành 6-8 phần đều nhau, đặt lon sữa bò vào và dùng dây kẽm cột lại. Bằng cách này dầu sẽ không đổ ra ngoài.

LÀM CHUỘT LỬA

Chuột lửa là một công cụ cho việc châm lửa. Có nhiều cách để chế tạo chuột lửa, tùy sáng kiến của mỗi người: hoặc từ trên cao chạy xuống, hoặc từ dưới thấp chạy lên cao rồi mới xuống đống lửa.

TỪ TRÊN CAO CHẠY XUỐNG

- Căng dây kẽm đến thân cây hay một điểm cao và có độ dốc vừa phải, đầu dây kẽm (phía đống lửa) chúng ta nối bằng một đoạn dây nilon ngắn để sau khi cháy thì dây đứt, không gây trở ngại cho việc trình diễn.

- Lấy lon sữa bò, lon bia... cho giẻ tẩm dầu vào, lấy dây kẽm làm thành một cái quai. Dùng tim đèn nối dài (hay vải se lại thành sợi) cột vào lon.

- Treo lon lên điểm cao nhất của sợi dây kẽm, cố định bằng dây thun, thòng dây tim xuống cho vừa tầm.

- Khi đốt dây thun đứt, lon lửa sẽ trôi theo độ dốc xuống đống lửa.

TỪ DƯỚI CHẠY LÊN:

Nguyên tắc thì vẫn trượt theo dây nhưng một bên thì nhờ trọng lượng, một bên thì nhờ dây thun đàn hồi. Loại chuột lửa này chúng ta để cho hộp lon nằm ngang và làm hai khoen bằng dây kẽm để dễ dàng trượt theo dây hướng dẫn.

Từ một góc nào đó, dùng dây thun tạo lực đàn hồi để bắn mồi lửa lên cao, có sẵn mồi lửa, từ đó chuột sẽ chạy xuống đống củi.

KỂ CHUYỆN LỬA TRẠI

Có những lúc người ta cần yên lặng, giờ phút ấy nếu để trôi qua trống rỗng sẽ làm hỏng cả cuộc vui. Tương trợ cho thời gian “gay cấn” này chúng ta nên kể chuyện.

Những câu chuyện kể có những tác dụng rất lớn: giáo dục, tuyên truyền đến người nghe một cách tế nhị, khéo léo, giúp mỗi người tự chiêm nghiệm và rút ra bài học cho mình.

Quan trọng nhất là phải khéo léo khi chọn câu chuyện để kể sao cho thích hợp với từng hoàn cảnh, từng đối tượng, tùy lúc tùy nơi... nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Muốn vậy người kể chuyện phải chuẩn bị một số câu chuyện, theo những đề tài nhất định. Những câu chuyện này có thể sưu tầm trong tủ sách “Học làm người”, “Cổ học tinh hoa”, “Quà tặng của cuộc sống”...