Ảnh nền Pano chính
Những nội dung cốt yếu trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những nội dung cốt yếu trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

ỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam là dịp để chúng ta phân tích, làm sâu sắc hơn những quan điểm, tư tưởng cốt lõi trong Di chúc mà Người để lại cho hậu thế.

 

“Trước hết nói về Đảng”

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trước hết nói về Đảng”, “theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”1 là cách mà Người đề cập đến vấn đề cốt tử này. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh cũng nói: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Đây là hai nội dung trọng yếu, có mối quan hệ biện chứng được Người đề cập trong Di chúc.

Một là, về các nguyên tắc tổ chức của Đảng

Thứ nhất, nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Mục tiêu của việc thực hiện nguyên tắc này là “để củng cố sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”2. Theo Người, “phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình”3. Tự phê bình và phê bình là cách giúp chúng ta nhìn ra khuyết điểm của bản thân mình cũng như của đồng chí mình để “thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau”4.

Tự phê bình và phê bình phải được thực hiện thường xuyên và khéo léo, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Cách thức thực hiện “phê bình và tự phê bình phải từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên”5. Hồ Chí Minh nhấn mạnh tác dụng của phê bình từ dưới lên. Đây là một tư duy mới, đột phá đòi hỏi đảng viên phải có bản lĩnh mới thực hiện được. Vì thông thường cấp trên phê bình cấp dưới. Thật không dễ khi cấp dưới phê bình cấp trên. Làm tốt được nguyên tắc này sẽ củng cố được khối đoàn kết trong Đảng.

“Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau”6 thì mới đạt được kết quả tốt. Người cũng vô cùng tinh tế khi luôn nhắc nhở “nêu ưu điểm” trước rồi mới “vạch khuyết điểm”. Chỉ trong vài dòng ngắn ngủi khi đưa ra chỉ dẫn về tự phê bình và phê bình, tư duy biện chứng của Người đã được thể hiện thật rõ nét và rất sinh động.

Thứ hai, nguyên tắc thực hành dân chủ rộng rãi. Trong Di chúc, Người chỉ rõ: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi… là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”7.

Nguyên tắc này được thể hiện rõ nét trong nguyên tắc làm việc là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Cách làm việc này huy động được kinh nghiệm, trí tuệ, cách nhìn của đa số, tránh được góc nhìn phiến diện, giản đơn, một chiều. Tập thể lãnh đạo để tránh việc cá nhân ôm đồm, bao biện, độc đoán, chủ quan. Cá nhân phụ trách để tránh tình trạng bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ, không ai chịu trách nhiệm.

Tập thể lãnh đạo là dân chủ; cá nhân phụ trách là tập trung. Hồ Chí Minh vô cùng tinh tế khi nói “dân chủ tập trung” chứ không nói “tập trung dân chủ”. Dân chủ là điều kiện để tập trung; tập trung trên cơ sở dân chủ. Dân chủ và tập trung không tách rời nhau. Như vậy, nguyên tắc này có thể hiểu là, khi thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi của nhiều người, mọi người được tự do phát biểu ý kiến của mình còn khi đã đi đến kết luận chung, thì tất cả sẽ phải tuân thủ và sẽ ủy quyền cho cá nhân phụ trách.

Dân chủ trong Đảng là điều kiện quan trọng để thực hiện dân chủ trong xã hội. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là công cụ, động lực để tiến tới một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân được sống trong tự do, hạnh phúc thực sự.

Thứ ba, nguyên tắc đoàn kết và thống nhất. Đây là kết quả tất yếu của việc thực hiện tốt hai nguyên tắc trên. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Muốn đoàn kết phải giữ gìn kỷ luật của Đảng. Mỗi đảng viên phải tuyệt đối tuân theo kỷ luật của Đảng, có như vậy Đảng mới thành một Đảng đoàn kết chặt chẽ, ý chí thống nhất, hành động nhất trí, mạnh mẽ để lãnh đạo nhân dân đến thắng lợi. “Đoàn kết và kỷ luật làm cho bộ đội mạnh, đoàn thể mạnh”8. Đoàn kết là cội nguồn của thành công: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Hai là, về người cán bộ, đảng viên

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh trăn trở về đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt trong điều kiện đảng cầm quyền. Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Suy cho cùng, một tổ chức có thành công hay không phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ của tổ chức ấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới đạo đức cách mạng của đội ngũ này. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư - những đức tính ấy được Người đề cập nhiều trong các bài nói, bài viết trước đó; và một lần nữa lại được nhấn mạnh trong Di chúc. Chăm chỉ, chuyên cần, tiết kiệm, liêm khiết, chính trực, đặt lợi ích của đất nước, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân luôn là những đức tính mà mỗi người cán bộ, đảng viên cần phải rèn luyện, tu dưỡng suốt đời; luôn ý thức Đảng cũng như cán bộ, đảng viên phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân, không lên mặt “quan cách mạng”. Đặc biệt, cần phải nhìn hai vị trí này trong mối quan hệ biện chứng với nhau. Lãnh đạo đòi hỏi tư cách, phẩm chất, năng lực, còn “đày tớ” đòi hỏi thái độ, tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân.

Ba là, về hai trách nhiệm quan trọng của Đảng

Trước hết, Người bàn về trách nhiệm chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm đến việc bồi dưỡng cán bộ phục vụ cho nhu cầu trước mắt của cách mạng mà còn quan tâm đến việc chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Người đánh giá rất cao vai trò của thế hệ trẻ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Người bày tỏ niềm tin vào thế hệ trẻ: “Nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều”. Đầu năm 1946, trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp tết sắp đến, Người khẳng định: “Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”. Trong Thư gửi các bạn thanh niên năm 1947, Người viết: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Với thế hệ trẻ, điều quan trọng là phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho họ trở thành những người “vừa hồng vừa chuyên”.

Để bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, cần quan tâm đến thể dục, trí dục, mỹ dục, đức dục của các em học sinh nhằm làm cho thân thể khỏe mạnh, giữ gìn vệ sinh chung, vệ sinh riêng, học thêm những tri thức mới, phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp, làm cho học sinh có năm cái yêu (yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công). Trong ba phạm vi gia đình, nhà trường, xã hội, Người chỉ dẫn cụ thể: “Ở trường, thì kính thầy, yêu bạn, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Ở nhà, thì yêu kính và giúp đỡ cha mẹ. Ở xã hội, thì tùy sức mình mà tham gia những việc có ích lợi chung”9.

Thứ hai, về trách nhiệm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh có một ham muốn tột bậc là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Độc lập, tự do chỉ là bước đầu tiên để hướng đến mục tiêu cuối cùng là hạnh phúc của nhân dân. Người khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”10. Nhân dân chỉ hiểu được giá trị của hạnh phúc, tự do khi trước hết họ được ăn no, mặc đủ.

Nhân dân là nguồn sức mạnh của Đảng. “Dựa vào dân thì việc gì, dù khó đến đâu cũng có thể làm được”. Do đó, chăm lo cho nhân dân chính là cách để tăng cường sức mạnh của Đảng. Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải lấy tiêu chí lợi, hại cho dân làm tiêu chí hành động và thước đo một Đảng cách mạng chân chính. Bác dặn: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”11. Đảng lo cho dân trước hết là lo những nhu cầu thiết yếu, như ăn, mặc, ở sau đó đến những nhu cầu tinh thần. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng và Nhà nước thực hiện nhiều chủ trương, chính sách chống đói, chống dốt, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển văn hóa là để thực hiện một cách thiết thực việc chăm lo đời sống cho nhân dân. Sự thống khổ của nhân dân là nỗi thống khổ của Người và hạnh phúc của dân chính là hạnh phúc của Người: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”12.

Câu nói mộc mạc của Người mà chất chứa ý nghĩa sâu xa, khái quát toàn bộ những nội dung cốt yếu trong mối quan hệ giữa Đảng với dân, đó là “Đảng phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải thấu hiểu rằng lợi ích của nhân dân tức là lợi ích của Đảng”13.

“Đầu tiên là công việc đối với con người”

Là lãnh tụ tối cao của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm của mình cho mọi tầng lớp nhân dân. Trong Di chúc, Người căn dặn những công việc cụ thể cần làm với từng tầng lớp, đối tượng sau khi nước nhà thống nhất: Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình; đối với các liệt sĩ; đối với cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu; với những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong; với phụ nữ; với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ; với nông dân. Những tầng lớp, đối tượng trên được Hồ Chí Minh dành cho sự quan tâm đặc biệt. Họ là những người đã góp công sức trực tiếp vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, là lực lượng “yếu thế” trong xã hội. Người trù liệu, căn dặn từng công việc mà Đảng, Nhà nước cần phải thực hiện với những đối tượng đặc biệt này.

Con người - vấn đề trung tâm trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Người bàn tới các nguyên tắc tổ chức của Đảng là để xây dựng một Đảng đoàn kết, một Đảng mạnh hướng tới một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Đây chính là xã hội xã hội chủ nghĩa do con người và vì con người. Do đó, thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức của Đảng chính là tạo ra công cụ, phương tiện cần thiết để đạt tới mục tiêu xây dựng một xã hội tất cả vì con người, cho con người.

Khi bàn tới người đảng viên, thực chất là Người đang nói tới con người trong Đảng. Đảng viên có tốt thì Đảng mới có thể thành công trong thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình.

Hai trách nhiệm quan trọng của Đảng là trách nhiệm chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau và trách nhiệm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân đều hướng tới con người. Có thể thấy, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về Đảng chính là nói về con người: Đó không chỉ là con người hiện tại trong Đảng (đảng viên) mà còn là con người mà Đảng phải có trách nhiệm xây dựng làm đội ngũ kế cận trong tương lai (thế hệ cách mạng cho đời sau) và con người mà Đảng hướng tới phục vụ lợi ích của họ (quần chúng nhân dân).

Bên cạnh các công việc đối với con người mà Hồ Chí Minh đề cập trực tiếp trong Di chúc thì toàn bộ nội dung bàn về Đảng thực chất cũng chính là bàn về vấn đề con người. Ở đây, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, có quan hệ biện chứng với nhau. Do đó, có thể khẳng định, điều cốt lõi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn hậu thế trước lúc đi xa chính là vấn đề con người.

Suy cho cùng, con người là nguồn lực quan trọng nhất của mọi quốc gia. Các nguồn lực khác dù có dồi dào, phong phú, đa dạng đến đâu nhưng nếu nguồn lực con người thiếu hoặc yếu thì quốc gia đó khó mà phát triển được. 50 năm đã trôi qua, đọc lại bản Di chúc thiêng liêng của Người, điều căn cốt mà Đảng và Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, đầu tư, xây dựng, phát triển đó là con người - nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của quốc gia - dân tộc trong thời đại ngày nay./.